Vàng tăng đỉnh
Vàng miếng SJC những ngày qua chính thức vượt mức tâm lý 50 triệu đồng/lượng gây sự chú ý của những người có nguồn tiền nhàn rỗi. Chiều 8.7, vàng miếng SJC tăng thêm 200.000 đồng/lượng so với chiều 7.7, giá mua tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC lên 49,95 triệu đồng/lượng, bán ra 50,35 - 50,37 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji tăng giá mua vàng lên 50 - 50,05 triệu đồng/lượng, bán ra 50,2 - 50,25 triệu đồng/lượng...
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nhận định dù lãi suất tiền gửi của ngân hàng cao hay thấp thì lãi suất của TPDN vẫn luôn cao hơn. Phần chênh lệch cao hơn đó được xem như lợi tức để bù đắp rủi ro cho người mua trái phiếu. Do đó lãi suất giảm không liên quan đến việc dòng tiền tham gia đầu tư vào TPDN. Hơn nữa, TPDN có thanh khoản kém hơn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, hay bất động sản nên sẽ khó thu hút nhiều người quan tâm. Đặc biệt nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ không đủ cơ sở để đánh giá được hết khả năng thu hồi vốn, hoàn trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Do đó đây sẽ là kênh rủi ro cao với nhiều người
Vàng thế giới đã tăng khá mạnh vào chiều 8.7, vượt mức cản tâm lý những ngày qua 1.800 USD/ounce, lên 1.803 USD/ounce, tăng 28 USD/ounce so với chiều 7.7, tương ứng 1,6% chỉ trong 1 ngày. Chỉ trong 7 ngày qua, vàng đã tăng khoảng 900.000 đồng/lượng, so với đầu năm tăng 7,6 triệu đồng/lượng, tương ứng gần 18%.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), nhận xét mức giá vàng miếng SJC hiện nay không hề có “bong bóng” như hồi năm 2011 khi đang bám sát giá thế giới. Với mức tăng 18 - 20% tính từ đầu năm đến nay, vàng đã vượt xa hẳn các kênh đầu tư khác như chứng khoán, gửi lãi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp... "Vậy có nên đầu tư vào vàng tại thời điểm này hay không?", ông Trần Thanh Hải cho rằng giá thế giới hiện nay dù đã vượt 1.800 USD/ounce nhưng vẫn chưa chạm mức giá lịch sử đã xác lập vào năm 2011 ở 1.923 USD/ounce do đó còn dư địa tăng. Vàng trong nước liên tục bám sát thế giới nên những người có kiến thức về vàng, thời gian cũng như tài chính có thể tham gia trong ngắn hạn từ nay đến tháng 8.
“Sức khỏe của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nhiều thì chứng khoán rất khó hấp dẫn. Ngược lại, giá vàng vượt qua mức cản tâm lý 1.800 USD/ounce, lực cầu trên thị trường xuất hiện nhiều hơn đã thu hút vốn chảy từ thị trường chứng khoán. Nhưng cần lưu ý vàng có thể đảo chiều khi có
vắc xin chống dịch Covid-19 và chặn đứng được đà lây lan trên thế giới; cũng như những thông tin về tranh cử tổng thống Mỹ và chính sách hoạch định kinh tế của nước này sẽ có sự thay đổi khi một người khác lên”, ông Hải khuyến cáo.
Chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cạnh tranh tiền gửi
Theo báo cáo từ Công ty chứng khoán Rồng Việt, chênh lệch tăng trưởng cung tiền và tín dụng duy trì mức dương tháng thứ 10 liên tiếp và đang ở mức cao kể từ năm 2016. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vẫn đang duy trì ở mức thấp, phần nào cho thấy dòng tiền trong hệ thống vẫn sẽ tiếp tục dồi dào trong ít nhất 1 tháng tới. Công ty này cho rằng việc các ngân hàng thương mại liên tiếp giảm lãi suất huy động một mặt giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, gồm chứng khoán và bất động sản, là hai kênh phổ biến nhất ở VN. Bên cạnh đó, thống kê của Công ty chứng khoán SSI cho thấy tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành từ đầu năm đến nay ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỉ đồng TPDN, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019. SSI nhận định TPDN đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi. So với lãi suất tiền gửi, lợi tức TPDN cao hơn từ 0,8 - 1,7%/năm. Nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận TPDN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán, đặt lệnh mua TPDN qua tài khoản chứng khoán, các lô trái phiếu có thể tách nhỏ đến từng triệu đồng để phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư cá nhân hay thời hạn đầu tư cũng rất linh hoạt nhờ trung gian thu xếp giao dịch hoặc cam kết mua lại từ các đại lý…
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, phân tích lãi suất tiền gửi giảm chủ yếu ở kỳ hạn ngắn. Đối với kỳ hạn dài, lãi suất vẫn đang ở mức cao. Đặc biệt với những người có số tiền lớn thì có thể được hưởng lãi suất vẫn trên 8%/năm cho kỳ hạn từ 1 năm trở lên. Vì vậy lãi suất giảm hiện nay vẫn chưa đủ kích thích dòng tiền đang gửi tiết kiệm chuyển vào thị trường chứng khoán. “Lãi suất sụt giảm về nguyên lý có tác động tích cực cho chứng khoán và bất động sản nhưng thực tế hiện nay lại không xảy ra như kỳ vọng. Đó là chưa kể kênh chứng khoán hay TPDN chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy hiện nay chưa thể nói dòng tiền từ tiết kiệm sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác dù lãi suất giảm”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Theo nguồn: thanhnien.vn